Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 9) Lần đầu chạm địch

Triệu và các toán thanh niên đang mai phục canh gác phía trái của cầu sắt xe điện Cầu Bông được cấp báo phải cấp tốc rút lui vì quân đội Anh-Ấn và Pháp đã ồ ạt tấn công, vượt qua Cầu Bông sau khi đã thình lình nổ súng và cho thiết giáp vượt qua cầu. Các chướng ngại vật ở Cầu Bông về phía Gia Ðịnh đã bị súng lớn của địch phá hủy dễ dàng. Xe tăng, thiết giáp đã vượt cầu, tiến qua đường Hàng Bàng một cách bất ngờ, khiến các toán chỉ huy lúc ấy đang họp ở tòa Tỉnh Gia Ðịnh đã phải tháo chạy. Các toán có phận sự canh chừng phía bên này của Rạch Thị Nghè vì thế nhận được lịnh phải tự động rút lui để khỏi bị đánh bọc hậu. Triệu và các bạn đã tháo chạy trở về hướng Gia Ðịnh. Phần đông đều bị tay chân đầy máu me, không vì bị thương tích súng đạn nhưng vì phải càn vượt qua các bụi ô rô đầy gai góc bên bờ rạch. Triệu nghe các bạn bắn tin đồn là đã thấy ca sĩ trẻ Phạm Duy có tham dự mặt trận này và cũng tháo chạy như anh em. Lúc ấy Phạm Duy được giới trẻ biết đến vì đang đi theo một gánh hát cải lương và thường trình diễn rất “ăn khách” bản Buồn Tàn Thu của Văn Cao.Ðịch quân trong những ngày đầu chỉ cần lo chiếm đóng các vị trí chiến lược nên dân chúng Gia Ðịnh vẫn còn được cơ hội len lỏi theo các đường nhỏ trong các xóm để tìm đường tản cư khỏi thành phố. Các bạn của Triệu trong nhóm Sinh viên-Học sinh Tân Bình đã đồng ý cùng nhau dùng xe đạp, rút về Biên Hòa. Một anh bạn học ở Petrus Ký, tên Phan Văn Lung, người Biên Hòa có người chị làm chủ một trường tư ở ấp Phước Lư. Trường hiện đang bỏ trống vì thời cuộc nên có thể đưa tất cả toán đến trú ngụ nơi đó. Nơi đây là một nhà tư nhân nhưng phía sau nhà được cất thành lớp học khá rộng. Gần hai mươi thanh niên tạm thời tản cư đến đó để dò la phương kế hoạt động. Nhà bên ngoại của Triệu cũng ở trong vùng nên Triệu đã xin cho một số anh em đến tá túc.Cơ quan hành chánh Việt Minh miền Ðông Nam bộ, dưới quyền điều động của Dương Bạch Mai, Ủy viên Thanh tra Chánh trị Miền Ðông được đặt trong khuôn viên tòa Hành chánh tỉnh cùng với chánh quyền Tỉnh Biên Hòa. Những anh em được phân công đến tòa Tỉnh để giao thiệp xin nhận lãnh công tác đã vui mừng trở về cho biết họ đã gặp được giáo sư Trần Văn Quế hiện đang đảm nhận chức vụ Cố vấn cho chánh quyền Tỉnh và có một văn phòng riêng ở tòa Hành chánh. Triệu vội vã đến thăm vị giáo sư cố vấn của nhóm học sinh Pétrus Ký ngày trước và giáo sư Quế cũng có cho biết là trong những ngày bị mật thám Pháp bắt, giáo sư vẫn lo lắng không biết đám học trò nhỏ của giáo sư có ai bị liên can không. Giáo sư Quế cũng cho biết là sau khi ở Côn Ðảo về, ông chỉ trở về Tây Ninh với gia đình được vài hôm. Chánh quyền Việt Minh đã thuyết phục ông phải nhận chức cố vấn cho chánh quyền Việt Minh vừa mới thành lập ở Biên Hòa. Ông cũng có cho biết là thật ra anh Tỉnh ủy viên có việc gì cũng đem ra hỏi ý kiến của Dương Bạch Mai là người đại diện của Ðảng Cộng sản. Ông chỉ được góp ý giúp về hình thức thảo công văn mà thôi. Bộ đội Vệ Quốc của Việt Minh không đóng ở tỉnh lỵ mà chọn nơi trú quân ở Cù Lao Phố. Ông chỉ huy trưởng phân tán bộ đội cho trú ngụ ở nhà dân chúng quanh vùng. Một nữ y tá của nhà thương Chợ Rẫy di tản ra khỏi Sài Gòn bị thất lạc về đây và được ông chỉ huy trưởng đề cử làm trưởng Ban Cứu thương. Vì Triệu có được chứng chỉ cứu thương của Hồng Thập Tự nên cũng được mời gia nhập bộ phận Cứu thương, dưới quyền của cô nữ y tá. Triệu là dân tỉnh Biên Hòa, quen nước quen cái nên được phân công yểm trợ cho tòa Tỉnh. Khi có bịnh thì nhân viên đi khám bác sĩ nhưng săn sóc chích thuốc thì Triệu lãnh phần trị liệu “chích dạo” để họ khỏi phải di chuyển đến bịnh viện. Các “chức sắc mới” ở tòa Tỉnh lại thường xin được chích thuốc bổ loại Calcium hay Sinh tố C chích gân hoặc loại Cacodylate de soude, Strychnine chích thịt nên hằng ngày, Triệu thường có dịp đến tòa Tỉnh và đến hầu chuyện với giáo sư Quế.Tình hình ở tỉnh lỵ lúc nào cũng căng thẳng vì không biết lúc nào quân Pháp hoặc Anh-Ấn có thể từ Sài Gòn bung ra tấn công các tỉnh miền Ðông. Các cầu lớn, các ngả đường nay đều được tăng cường canh gác. Trong khi đó, Triệu nghe được nhiều tin về việc những nhân vật được biết tiếng trước kia như Huỳnh Văn Phương, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Trần Quang Vinh v.v...nay đã bị Việt Minh bắt hoặc thủ tiêu. Ðặc biệt có những tin cho biết các toán võ trang công nhân chiến binh của nhóm Ðệ Tứ tập họp về vùng suối Xuân Trường, Thủ Ðức sau khi quân Pháp đã phá vòng vây ở Sài Gòn, lại bị bộ đội của Dương Bạch Mai đến tước khí giới và bắt đi. Khi được Triệu hỏi về các việc trên, giáo sư Quế chỉ lắc đầu, thở dài mà không bàn luận gì. Các công chức tòa tỉnh nay lại được lịnh phải chuẩn bị tản cư với các viên chức Việt Minh khi có lịnh, không được trở về với gia đình. Tình cờ, trong khi đi chích thuốc, Triệu được nghe viên trưởng Công An hỏi Tỉnh ủy: “...Còn cố vấn thì làm sao?”. Anh nầy trả lời: “Thì cứ áp dụng chỉ thị của đồng chí Dương Bạch Mai đối với tụi trí thức!”. Triệu liền đến báo tin cho giáo sư Quế. Ông ngao ngán nói “Các anh em Ðệ Tam, lúc nào sao họ cũng vậy...!”. Ngày hôm sau, Triệu không còn thấy giáo sư ở văn phòng. Những người biết việc, cho hay là đồng đạo của giáo sư đã đưa ông về Tây Ninh , xuyên qua ngả Tân Khánh, Gò Dầu Hạ? Cơ quan hành chánh Việt Minh vào các ngày sau đó chỉ thấy còn hoạt động cầm chừng cho có mặt vì các nhân viên có chức quyền đã tản cư ra khỏi tỉnh. Trong tình thế đó, các anh em trong nhóm Sinh viên-Học sinh Tân Bình chọn giải pháp chia tay nhau: những người có thể trở về gia đình cứ tự động ra đi; các anh em khác đồng cùng nhau tìm đường về miệt Hậu Giang, gia nhập đoàn Tuyên truyền Lưu động Nam Bộ của Ðặng Ngọc Tốt. Người đề nghị giải pháp này và cho giấy giới thiệu là anh Phẩm, một sinh viên từ Hà Nội về, thuộc đảng Dân Chủ và là con của thầy giáo Giỏi dạy ở trường Tỉnh. Vì nhà ở gần Cầu Rạch Cát và hãng dầu Shell nên gia đình bên ngoại của Triệu cũng phải tản cư qua nhà một người Dì ở Cù lao Phố. Hằng ngày Triệu vẫn đến sinh hoạt cùng bộ đội Vệ Quốc, học tập quân sự với một sĩ quan quân đội Nhật tình nguyện ở lại Việt Nam. Người Nhật, tên Watanabé nầy được gởi tá túc ở nhà ông Kinh lý Nhơn vì trước kia, ông đã từng có cơ hội tiếp xúc giao thiệp với quân đội Nhật. Ngoài việc dạy tháo ráp, bảo trì súng ống, sử dụng lựu đạn, mọc chê, gài mìn bẫy... anh Watanabé thường hay đến gặp Triệu để dạy Triệu hát cho đúng tiếng Nhật các bản Ðêm Trung Hoa (Shina Noyoru), Tango Chinois (Hà Nhật Quân Tái Lai)... vì Triệu thường đàn mandoline và nghêu ngao cùng hát các bản này với anh. Anh lại có thêm biệt tài thổi sáo Nhật, loại sáo thân rất to, tiếng trầm buồn, không réo rắt cao vuốt như tiếng sáo Việt. Triệu đã được anh truyền dạy hát một bài thật hay nhưng âm điệu rất buồn thảm, một bài mà đến tuổi trên tám mươi, Triệu vẫn còn nhớ: bài Ánh trăng trên cổ thành (Hoang thành chi Nguyệt)!Một buổi chiều, vào lối bốn hay năm giờ, Triệu đang ngồi nghe Watanabé thổi sáo bỗng nghe có những tiếng nổ to ì ầm từ hướng Sài Gòn vọng về. Tiếng bom đạn sau đó càng lúc càng nổ lớn hơn, liên tiếp đến hơn cả mấy tiếng đồng hồ cho đến gần như suốt đêm. Có người ở dọc quốc lộ 1 gần Chợ Ðồn đem tin cho biết tiếng nổ không phải do có chạm súng gì mà là do kho đạn của Pháp ở Sài Gòn phát cháy. Tin tức sau về sau lại càng chi tiết hơn và cho biết đó là kho đạn của thành lính ở đường Docteur Angier tức đơn vị 11è R.I.C (Lữ Ðoàn Lục Quân Thuộc Ðịa thứ 11). Watanabé đã cùng Triệu đứng ở lan can trước nhà cùng nhìn về hướng Sài Gòn để xem ánh chớp sáng của bom đạn đang tiếp nổ. Triệu rất ngạc nhiên khi nhận thấy Watanabé miệng mỉm cười, thỉnh thoảng lại chầm chậm gật đầu nói lầm bầm bằng tiếng Pháp: “C’est le prix que les Francais doivent payer”.(Ðó là cái giá mà người Pháp phải trả).Tối hôm đó, Triệu thuật lại cho ông ngoại nghe các thắc mắc của Triệu về thái độ và câu nói của anh ta. Ngoại đã cho Triệu biết có thể Watanabé đã tham dự vào công tác bí mật đặt hệ thống nổ chậm ở kho đạn trước khi giao cho quân đội Pháp. Y đã mãn nguyện vì công tác bí mật đã thành công?Ngày hôm sau, báo Cảm Tử đăng tin là một thiếu niên cảm tử quân đã quấn mền, tẩm xăng, tự đốt cháy và chạy vào kho đạn để đốt nổ! Câu chuyện đặt điều vô lý tuyên truyền về việc “anh hùng Lê Văn Tám” có thể tự tẩm xăng đốt, chạy từ cổng thành có lính canh gác, đến một kho đạn cách xa đường hơn cả trăm thước, chuyện khó tin đó lại được đài vô tuyến Bạch Mai ở Hà Nội phát thanh rầm rộ, ngày này qua ngày khác! Bỗng một tối, Watanabé thình lình đến thăm để từ giã Triệu. Anh cho biết phải di chuyển đi xa, không biết còn có dịp gặp lại không! Ðến sáng hôm sau, Triệu và dân chúng trong làng phát giác là các toán Vệ quốc quân cũng đã rời khỏi làng trong đêm. Ông Chỉ huy trưởng cùng cô Y tá trưởng đã biến mất. Triệu và một số anh em trẻ được ông gởi lời nhắn phải bám trụ ở lại để chờ người đến tổ chức thành toán du kích.Ngay ngày sau đó, quân đội Anh-Ấn và Pháp đã có cuộc hành quân, bắt gom tất cả trai tráng trong làng Hiệp Hòa ra ngồi ở chợ. Triệu cũng bị bắt trong trận càn quét này và đã ngồi lo âu suốt cả buổi. May sao vào buổi chiều, một trưởng lão trong làng tuổi trên tám mươi, mà cũng là một danh y, râu tóc bạc phơ, đầu chích khăn đỏ, dáng người cao lớn trông rất tiên phong, đạo cốt, chống gậy vào chợ đi một vòng, xong nói bằng tiếng Pháp với các sĩ quan chỉ huy: “ Tôi thấy các người bị gom ở đây toàn là dân làng và tôi biết họ. Không có ai là kẻ lạ mặt trong đám nầy”. Hình ảnh oai nghi của ông đã khiến các sĩ quan hiện diện tin tưởng và dân trai tráng trong làng đã được tự do trở về nhà.Kể từ đó, công việc của Triệu là đi nhận báo bí mật Cảm Tử đem về phân phối cho vùng Cù lao Phố và các làng lân cận, chuyển đạt các chỉ thị cho dân chúng phải giết chó trong các làng để du kích và bộ đội có thể di chuyển trong đêm mà không bị phát giác... Việc khó khăn nhất trong thời đó là khi có tổ chức Tổng Tuyển cử Quốc Hội! Trước những ngày Tổng Tuyển cử, phải đi dán và phân phối truyền đơn để giải thích và kêu gọi dân chúng tham gia. Thật sự ra thì danh sách các ứng cử viên đã được từ “trên” ấn định đưa về nên toàn là những tên tuổi xa lạ đối với dân chúng trong vùng. Vì quân đội Anh-Ấn đã có đóng các đồn ở các đầu cầu Gành và cầu Rạch Cát nên đến hôm bầu cử, Triệu và các người trẻ phụ trách phải bưng các thùng phiếu đến từng nhà cho dân chúng bỏ thăm, làm gì dám tổ chức các địa điểm đầu phiếu vì địch quân ngày nào cũng hay bất thần đi ruồng bố. Mỗi bận di chuyển ra khỏi làng để lãnh báo, nhận truyền đơn, cờ đỏ sao vàng hay các chỉ thị là một hành trình đầy hiểm nguy vì phải thoát qua nút chặn và khám xét ở các cầu. Từ ngày địch đóng quân ở các bót đầu cầu, ghe thuyền đều bị cấm không được di chuyển trên sông. Các hôm đầu địch đóng quân, sau khi dùng xong các thực phẩm đóng hộp, họ đã vứt các hộp trống rỗng, nổi lều bều trên sông. Dân chúng thấy tiếc nên có nhiều người đâm ghe ra vớt nên đã bị quân địch từ trên cầu bắn, may mà không có người bị thương tích! Kể từ đó, trên sông ngày đêm đều vắng lặng, chỉ trừ khi có việc, các anh em trong toán du kích của Triệu phải liều lĩnh dùng xuồng nhỏ bí mật vượt sông vào những đêm thật tối trời.Vì tình hình chiến sự nên sự lưu thông bị gián đoạn, việc tiếp tế lương thực đã bắt đầu gặp khó khăn. Các chợ làng tuy mỗi ngày có nhóm họp nhưng thực phẩm không được dồi dào như những ngày trước. Biên Hòa vốn là xứ có tiếng “cá ăn đá, gà ăn muối”, nên thực phẩm tươi như cá tôm... vẫn phải được tiếp tế từ các chợ ở Sài Gòn hay từ Bà Rịa, Vũng Tàu. Giao thông bị trở ngại nên cả tháng, ở chợ chỉ thấy bán toàn là mắm ruốc, cá khô, rau cải... Một hôm, người Dì thứ Tư của Triệu bắt được tin là chồng của Dì cũng như các công chức và trí thức Biên Hòa hiện đang bị Dương Bạch Mai lùa ra khỏi thành phố trước khi địch tiến chiếm tỉnh lỵ nay được gần như giam lỏng ở trong rừng miệt Long Thành. Một số thanh niên có thân nhân bị giam đã được các gia đình tha thiết xin đem giùm thực phẩm, thuốc men... tiếp tế cho họ. Tiếng nói là thực phẩm nhưng thật sự chỉ toàn là muối tiêu, mè, đậu phọng, đậu hũ, thịt kho thật mặn để họ có thể dùng ăn với cơm. Quốc lộ 1 cũng như đường lộ Biên Hòa Vũng Tàu đã có nhiều đồn bót quân Pháp và Anh-Ấn kiểm soát nên Triệu và các bạn phải đạp xe theo các nẻo đường trong các xóm qua các vùng Gò Công, Trao Trảo. Ði các ngả nầy cũng không phải dễ dàng gì vì luôn luôn có các chốt gác của các toán dân quân địa phương. Cũng có cái may là đi qua các làng này, những anh em trong toán của Triệu đều có những bạn đã quen biết từ trước. Giấy phép đi đường thì đã được ủy ban hành chánh địa phương cấp với nhiệm vụ đi tìm mua thực phẩm cá mắm tiếp tế cho làng. Triệu đã có cơ hội gặp được người dượng và cũng là thầy cũ dạy lớp Nhất của trường Tỉnh để cung cấp thực phẩm tiếp tế và thông báo vắn tắt tin gia đình vì những người canh gác chỉ chấp nhận cho Triệu được thăm nuôi trong khoảng mười lăm phút mà thôi! Trong thời gian gặp gỡ chuyện trò, lúc nào cũng có một hay hai người cán bộ giả vờ ngồi chung bàn để góp chuyện nhưng đúng hơn là cốt để dò xét! Sau buổi thăm nuôi ngắn ngủi, do lời chỉ dẫn của những người đã từng có dịp đi trước, Triệu được giới thiệu đến những nhà có trữ cá khô, mắm để thu mua đem về tiếp tế bán lại trong làng. Xe đạp của Triệu được gắn một bàn tiếp hậu chở hàng đặc biệt rất chắc nên Triệu đã ham hố mua chở thật nặng khiến xe không được cân bằng. Nếu không ngồi vững trên xe thì phần trước chiếc xe đạp cứ nhảy chồm lên như một con ngựa chứng! Triệu đã phải vất vả đương đầu mới đưa được “con ngựa chứng” trở về được đến nhà. Nhưng cũng nhờ được các chuyến đi tiếp tế như vậy nên Triệu đã qua được một thời thiếu thốn, mình mẩy không còn bị ghẻ chốc như trước kia vì thiếu dinh dưỡng và mỗi ngày chỉ có ăn được toàn là mắm ruốc mà thôi. Về sau, Triệu còn mạo hiểm, chèo ghe nhỏ, len lỏi theo các rạch để đến các lò đường vùng Phước Tân, chở đường tán về tiếp tế. Các chuyến đi như vậy thật ra cũng là những chuyến công tác, một công hai việc, để nhận các chỉ thị của khu ủy cũng như mua thuốc men ở các nhà thuốc chợ Biên Hòa cho bịnh xá trong khu của bác sĩ Quá, bác sĩ nhà thương Gia Ðịnh đã tình nguyện đi giúp kháng chiến.Toán du kích địa phương lúc ấy chỉ nhận được chỉ thị phải dò la vị trí và hoạt động của các đồn bót địch quân, nhất là các di chuyển hằng ngày của các đơn vị cơ giới đi ngang qua hai cầu, từ Sài Gòn đi đến Biên Hòa. Ngoại trừ trường hợp bị bao vây, tấn công, du kích quân phải cố tránh không được quấy phá địch để tránh tung tích bị tiết lộ. Mục tiêu chánh phải là việc theo dõi các di chuyển, điều quân của quân đội Pháp và Anh-Ấn.Nhưng một hôm, cả toán được chỉ thị phải cùng di chuyển gấp đến tập hợp để được tham dự hành quân ở một vị trí rất xa làng, ở vùng Phước Tân. Toán được phân công phối hợp cùng các đơn vị khác, phục kích cuộc chuyển quân của địch trên một đoạn đường của quốc lộ 1, cốt để địch không thể di chuyển dễ dàng hằng ngày trên quốc lộ này. Toán trưởng của Triệu là một cựu công nhân đồn điền cao su, người miền Trung tên Ðơ. Anh là một người chất phác, tánh tình rất dễ thương. Anh thường kể chuyện cũ của anh, lúc trẻ vốn là người ở vùng Cửa Tùng. Anh thường ra bến xem các ghe bầu xuất phát đem bán các thổ sản địa phương cho các chợ ở miền Nam, nhất là vào những tháng trước lễ Tết. Một hôm, anh liều lĩnh trốn nhà, phiêu lưu theo ghe bầu vào Nam. Sau đó, anh đã lưu lạc nhiều nơi, đã có một thời gian dài đi làm phu cạo mủ ở các vườn cao su. Công việc thức khuya dậy sớm đi cạo mủ rất vất vả mà lương phạn lắm khi còn bị bọn cai thầu cắt xén nên anh đã phải tìm cơ hội trốn ra khỏi đồn điền trong khi chưa mãn hạn giao kèo đã ký trước. Anh đã xin nhận lãnh giúp việc săn sóc canh tác cho các chủ vườn bưởi ở làng nên Triệu đã biết anh từ trước. Anh đã từng được các cán bộ Cộng sản bí mật huấn luyện chánh trị khi làm phu cạo mủ cao su nên từ ngay lúc khởi đầu cuộc kháng chiến, anh đã được từ trên tỉnh, chỉ định làm toán trưởng thanh niên địa phương. Trong các buổi hội có cán bộ tỉnh tham dự, anh thường được giới thiệu đề cao là thành phần công nhân vô sản đã giác ngộ giai cấp. Triệu đã có dịp ngồi cạnh anh trong các buổi hội đó và đã được một lần nghe anh cười khì nói nhỏ: “Ở Cửa Tùng, cha mẹ tôi có vườn tược nhà cửa rộng lớn. Nếu ngày mai tôi trở về, tôi sẽ lại thuộc thành phần con địa chủ!”.Vũ khí của toán của Triệu phần lớn chỉ là loại súng mút (mousqueton) của Pháp, bắn từng phát một và lựu đạn nhiều loại của Pháp và Nhật. Súng tốt chỉ có một cây cát bin Mỹ của trưởng toán Ðơ và một cây tiểu liên Stein. Vào thời khởi đầu kháng chiến, kinh nghiệm chiến trường chưa có là bao. Toán của Triệu chọn một vị trí trên một dốc cao để dễ quan sát, nhìn xuống đường. Công sự chiến đấu được đào sau các lùm cây rậm rạp, tưởng chừng như rất an toàn. Ðến lúc lâm trận, ngay ở những phút đầu tiên, các đại liên trên thiết giáp địch đã quạt liên hồi vào các lùm cây, quét sạch các ngụy trang khiến các công sự chiến đấu trở thành lộ thiên! Du kích quân đã được lịnh phải rút nhanh sau khi tung hết lựu đạn. Anh Ðơ trưởng toán bị một vết thương nặng ở đùi bên trái, không di chuyển được. Triệu đã băng chặt vết thương cho anh nhưng anh vẫn ra lịnh: “Anh phải rút nhanh với các anh em, tôi ở lại bắn cầm chân địch cho anh em rút”. Sau khi địch quân đã tiếp tục di chuyển xa và phi cơ tuần thám không còn lai vãng trên không, anh em du kích đã trở lại tìm anh trưởng toán. Anh Ðơ đã lết xa ra khỏi công sự trên năm mươi thước và đã hi sinh nhưng ba lô và vũ khí đã biến mất. Ðến lúc khiêng xác anh lên, Triệu mới nhận ra được là anh đã cố gắng dùng lá cây khô để phủ dấu chôn ba lô và cây cát bin Mỹ! Ôi cái thuở ban đầu cuộc chiến, anh em đã trân quý vũ khí hơn vàng!Anh Ðơ là người chiến sĩ đầu tiên được Triệu săn sóc cầm máu vết thương trên chiến trường. Khả năng kỹ thuật y tá thô thiển của Triệu thời bấy giờ chỉ được đến mức ấy mà thôi. Về sau này, được huấn luyện thành y sĩ quân y thực thụ, Triệu mới ý thức được là lắm khi, một vết thương tưởng là nhỏ nhưng có thể đã lọt vào thân thể và phá tan tạng phủ. Anh Ðơ, người chiến sĩ đầu tiên được Triệu săn sóc có phải thuộc vào hạng thương tích chiến trận loại đó không? Ở vào thời điểm đó, Triệu làm gì có được khả năng chuyên nghiệp để định bệnh, làm gì có huyết tương để chống kích xúc, làm gì có khả năng di chuyển thương binh đến nơi giải phẫu vết thương?Về sau này, dẫu đã được cơ hội được học tập để trở thành y sĩ, Triệu vẫn cảm thấy hãnh diện, nhớ lại những ngày thô thiển khởi đầu y nghiệp, thời của bài hát Nam Bộ Kháng Chiến:
Mùa thu rồi, ngày Hăm Ba,Ta đi theo tiếng kêu:“Sơn hà nguy biến”Rền khắp trời, lời hoan hô,Dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền,Thuốc súng kém, chân đi không,Mà lòng người giàu lòng vì nước,Nóp với giáo, mang quang vai,Nhưng thân trai nào kém oai hùng...
Trần Ngươn Phiêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét