Chương 3
Thời Trung học
Ðối với một anh học sinh từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn học, Trường Petrus Ký quả thật là một kiến trúc đồ sộ. Ðược hoàn thành từ năm 1927, trường chiếm một diện tích gần 9 mẫu, mặt quay ra đường Nancy (Cộng Hòa, thời VNCH), đối diện một khoảng xa với hông bên mặt của thành Ô Ma (Camp des Mares). Về phía bên mặt trường là đường Charles Thompson (Nguyễn Hoàng) gần đường xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho.
Hai dãy hai từng song song theo chiều Ðông Tây là các lớp học. Hai hành lang phía trước và sau nối liền các lớp học thành một khung hình chữ nhật. Hai bên đầu hành lang, trước cổng, là các phòng nhân viên hành chánh và các phòng giáo sư. Hành lang phía sau là dãy nhà các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh và lớp dạy vẽ. Bốn dãy kiến trúc đó bao vây một sân danh dự lớn có dựng tượng đồng bán thân của nhà bác học Petrus Ký, một nhân tài Việt Nam được liệt kê vào sổ vàng hậu thế kỷ XIX là “Toàn cầu bác học thập bát quân tử”. Sau cuộc đổi đời 1975, tượng đồng bị hạ, trường đổi tên thành Lê Hồng Phong, một nhân vật cách mạng, không dính dáng gì đến văn học Việt!
Về bên phía trái của trường có hai dãy lầu ba từng được sử dụng làm phòng học và phòng ngủ cho học sinh nội trú. Bên sau các phòng thí nghiệm là hai phòng ăn rất rộng cho học sinh nội trú và bán nội trú. Các phòng ăn với diện tích rộng này cũng là nơi để tổ chức các kỳ thi có đông thí sinh hay các buổi sinh hoạt cộng đồng vào các dịp Lễ Tiễn Ông Táo mỗi năm, trước khi về nghỉ lễ Tết, hoặc Lễ Mãn Khóa học cuối năm.
Ðời sống nội trú đã cho Triệu có cơ hội gặp được bao nhiêu bạn bè hầu như rải rác khắp miền Nam. Hai năm nội trú ở trường đường Nancy và hai năm sau khi trường phải tạm dời về trường Sư Phạm trước Sở Thú khiến Triệu được biết hầu hết các anh lớn theo học ban Tú Tài, sau đó theo học Ðại học ở Hà Nội hay ở ngoại quốc. Về sau, trước khi tốt nghiệp bằng Thành chung, Triệu lại được biết thêm bao nhiêu lớp đàn em.
Những thiên tài âm nhạc như Trần Văn Khê, duyên dáng đánh nhịp hay thổi phong cầm vào các ngày văn nghệ Tết Ông Táo, các anh Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Ðặng Ngọc Tốt, Trần Bửu Kiếm...với lý tưởng bồng bột lửa đấu tranh cho nước nhà được độc lập, đã thấy manh nha từ cái lò Petrus Ký. Khi Ðệ Nhị Thế chiến bùng khởi ở trời Tây, Huỳnh Văn Tiểng đã đọc một bài phú tiễn đưa lính chiến đi Pháp mà hơn nửa thế kỷ sau Triệu vẫn còn nhớ:
“Nhưng khuyên ai:
Trăng gió dẫu say phong cảnh mới
Nước non đừng lạt cảm tình xưa
Rượu Bordeaux dầu có hương vị thơm tho, phó mát xứ Brie dẫu có mùi thâm thía, nho Grenoble dầu hết sức ngọt ngào,
Cũng xin đừng chê rượu đế nhà ta là vô vị, bánh qui bánh tét thiếu gout, hay nước mắm hòn là dơ dáy....”
Trong số các bạn bè khác, rất nhiều tên tuổi sau này đã thường thấy được nhắc nhở trên các lãnh vực hoạt động ở miền Nam. Ðặc biệt sau khi thâu hồi độc lập, phần lớn các hiệu trưởng về sau thời kỳ 1950 đều xuất thân từ Petrus Ký. Nhìn trở lại lịch sử đào tạo trí thức cho miền Nam, ngoài các trường trung học công rất ít oi vì chánh sách ngu dân của Pháp (Bốn trường: Petrus Ký, Nữ học đường, Mỹ Tho và Cần Thơ), các trường tư thục phần nhiều do các nhà cách mạng du học về nước sáng lập, đã góp công lớn trong việc giáo dục thanh niên Nam Bộ. Các trường tư thục vang bóng một thời đã bị nhà cầm quyền Xã Hội Chủ Nghĩa khai tử sau 1975, thật sự rất xứng đáng được nhân dân miền Nam tưởng nhớ ghi công như trường Taberd, Huỳnh Khương Ninh, Lê Bá Cang, Chấn Thanh, Ðồng Nai, Nguyễn Văn Khuê, Bassac... và bao nhiêu trường sau này của các tôn giáo sáng lập, thời Việt Nam Cộng Hòa.
Các giáo sư trường Petrus Ký vào thời trước, ngoài những người Pháp hoặc Việt Nam du học tốt nghiệp ở Pháp về, phần đông đều được đào tạo từ Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội. Triệu vẫn còn nhớ mãi hình ảnh các vị thầy khả kính đã một thời ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai của Triệu. Giáo sư Trần Văn Quế, người gốc Tây Ninh theo đạo Cao Ðài, dóc vác cao lớn, gương mặt hiền hậu, đầu hớt tóc ngắn là giáo sư dạy Sử, Ðịa, có một giọng nói đầm ấm, từ tốn, đã khơi dậy lòng ái quốc cho đám thanh niên thời của Triệu. Sau này ông Quế đã bị Pháp bắt đày Côn Ðảo và may mắn được trở về đất liền sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Một giáo sư Sử, Ðịa khác rất say mê nghề trong khi thuyết giảng là Nguyễn Văn Thành đã bị Việt Minh giết vào lúc khởi đầu Nam bộ Kháng chiến.
Giáo sư Phạm Thiều, gốc Nghệ - Tĩnh vừa dạy chữ Nho, nhưng cũng lại dạy toán rất giỏi, là một nhân vật có phong cách nhà Nho, ăn mặc chững chạc, vào lớp lúc nào trước tiên cũng móc trong túi áo chiếc đồng hồ quả quýt, đặt lên góc bàn bên phải và xoay cho dây đeo cuốn tròn chung quanh tươm tất, xong mới bắt đầu dạy. Triệu đã gặp lại Thầy sau này trong thời gian kháng chiến. Lần đầu tiên gặp lại Thầy ở chiến khu Rừng Vĩnh Cửu, Biên Hòa, Triệu mới chợt nhận chân được cái vui tánh hồn nhiên của Thầy. Sau khi hỏi Triệu: “"Cậu đi đâu đây?"”. Thầy lại vui đùa nhại lời ca “"Nhớ chiến khu"” của Ðỗ Nhuận và hát: “ Chiều nay lên chiến khu đi gò mèo!”. Thầy đã một thời làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn, Ủy viên Tuyên huấn Ủy ban Hành chánh Nam bộ với biệt hiệu Trường Phong và đã tập kết ra Bắc. Sau 1975, giáo sư được bầu dân biểu thành phố Sài Gòn, nhưng đã thất vọng vì lối cai trị và tham nhũng của cán bộ Cộng sản. Ông đã tự vận chết, sau khi gởi cho Ðại hội Ðảng Q3, Thành phố Hồ Chí Minh một tuyệt thư:
“Dốt mà lãnh đạo nên làm Dại.
Dại mà muốn thành tích nên báo cáo Dối
Dốt, Dại, Dối, đó là ba điều làm cho các nước Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ, làm cho nước ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”.
Sau đêm chủ nhật 23 tháng 9 năm 1945, mở màn cuộc Kháng chiến Nam bộ, rất nhiều giáo sư như Nguyễn Văn Chì, Nguyễn Văn Chí, Lê Văn Huấn, Phạm Thiều, Nguyễn Văn Trứ, Lê Văn Cẩm... đều bỏ thành vào bưng tham gia chống Pháp. Có một việc cần nêu lên là các giáo sư còn sống và trở lại thành sau 1975, phần đông đã có một đời sống rất khiêm tốn. Các chức vụ béo bở đã được dành cho những người của Ðảng Cộng sản. Giáo sư Nguyễn Văn Chì trong thời chiến giữ chức Chủ tịch Ủy ban thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Sau ngày 30 tháng Tư 1975, chức đó phải nhường cho người khác. Giáo sư Chì được giao chức vô thưởng vô phạt: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Triệu được một người ở cùng làng Bến Tranh (Mỹ Tho) với giáo sư Chì cho biết tin, là sau 1975, ông đã trở về quê và đã qua đời trong cảnh nghèo xơ xác!
Sống nội trú bốn năm ở Petrus Ký, Triệu sáng trưa, chiều tối nào cũng phải tiếp cận với các giám thị. Các vị đều xuất thân trong nghành giáo dục nên phong cách rất đặc biệt. Giữa khung cảnh Sài Gòn tân tiến, giám thị Tươi mà Triệu thường ngưỡng mộ nhưng nay đã quên họ, lúc nào cũng mặc áo dài đen, quần vải ta trắng. Phải là người có can trường lắm mới có can đảm mặc quốc phục giữa đám học sinh quỉ quái và các đồng nghiệp vận Âu phục chễm chệ. Thầy Ngữ gốc Bình Dương thì lúc nào cũng vùi vào sách vở, nghiên cứu cách biến chế màu vẽ để bán ra thị trường vì trong xứ lúc ấy không còn màu nhập cảng từ Pháp. Thầy Thấy mắt cận thị nặng, gốc Nha Mân thì say mê nghiên cứu cách nuôi và chọn giống chó berger Ðức. Thầy Ruộng người Gia Ðịnh, mặt tươi đỏ, thường được học sinh gọi đùa là mặt say rượu, lại là người hay tìm hiểu gốc gác các học sinh ông đang phụ trách. Triệu đã khám phá ra được đặc tính này vào một hôm, trong khi say mê đá banh, một bạn nhỏ dưới lớp Triệu, anh Phan Phục Hổ đã trong cơn phật ý, phát ngôn bừa bãi. Thầy Ruộng gọi lại bảo: “Ba mầy, ông Phan Văn Hùm vừa là học giả danh tiếng, vừa là nhà cách mạng đang bị tù, mầy phải giữ mồm giữ miệng, làm sao cho xứng đáng là con của ổng”. Phan Phục Hổ đã phải rướm lệ xin lỗi và cám ơn Ông! Trong trận đá nầy, Triệu cũng “xổ nho”, văng tục ngạo bạn, nên cũng bị Ông chỉnh: “Ông Bác, Ông Nội mầy là nhà Nho, người bị đày ở Nha Mân vì Ðông Kinh Nghĩa Thục, người đang là Thầy dạy học. Con nhà gia giáo không ăn nói như vậy”. Báo hại từ đó về sau, Triệu luôn luôn phải lưu ý, giữ mồm, giữ miệng, tởn tới già!
Khi Triệu bắt đầu niên học, không khí chiến tranh đã bắt đầu làm dân chúng xao xuyến. Dựa theo thanh thế quân đội Nhật, Thái Lan đã lên tiếng đòi lại đất đai của họ đã bị Pháp lấn chiếm. Thái đã gây hấn, ném bom xuống các vùng Siemréap, Battambang ở Cam Bốt. Sài Gòn đã bắt đầu phải đào hầm trú ẩn. Riêng ở trường, sáng nào cũng có lớp dạy cứu thương và cách đề phòng chống hơi ngạt chiến trận do giáo sư Lê Văn Cẩm phụ trách.
Thật ra đây là những lớp lý thuyết, theo dõi rất ngán. Triệu đã có dịp cho Giáo sư Cẩm biết về việc học sinh miễn cưỡng phải đến lớp. Giáo sư đã trả lời: “Tây nó làm bộ bắt phải dạy. Tôi xin mượn một mặt nạ chống hơi độc cho sinh viên xem, nó có cho mượn đâu. Muốn học thật sự có căn bản, nên ghi tên theo lớp Cứu Thương của Hội Hồng Thập Tự, sau các buổi chiều ở trường”.
Triệu và vài bạn ở Gò Công và Gia Ðịnh đã rất thích thú theo dõi các lớp huấn luyện này. Phụ trách dạy là các nữ y tá Pháp của Hội Hồng Thập Tự và các điều dưỡng của Bịnh viện Chú Hỏa (Bịnh viện Ðô thành). Lớp học dành cho công chức và thanh niên tình nguyện đến tham gia vào chiều tối, ở một lớp trống sau giờ học của sinh viên. Chẳng những được dạy về băng bó, cứu thương và chích thuốc ở lớp học, Triệu và các bạn lại được các nhân viên điều dưỡng thỏa thuận cho đến phụ giúp việc chích thuốc vào các thứ Bảy và Chủ nhật ở bịnh viện. Vào thời đó chưa có thuốc trụ sinh mà người mang bịnh hoa liễu lại bị khá nhiều. Thuốc chích chữa bịnh chỉ có loại “914” phải chích vào tĩnh mạch. Triệu nhờ thế đã được tha hồ thực tập việc chích thuốc vào gân máu. Sau khi được cấp chứng chỉ cứu thương, Triệu đã thật sự có căn bản để có thể thực sự hành nghề “chích thuốc dạo”sau này!.
Mặc dầu các bạn hữu Triệu đều từ bốn phương đến, Triệu vẫn thích làm bạn với một nhóm nhỏ anh em vì tương đồng ý tưởng hơn. Ðó là một số anh em chung quanh anh Trần Thanh Mậu, người làng Vĩnh Lợi, Gò Công. Mậu là em của Trần Thanh Xuân, một sinh viên giỏi đã được học bổng sang Pháp. Vào thời đó, miền Nam có được hai sinh viên đậu Bằng Tú Tài ưu hạng, được chọn du học. Một là Trần Lệ Quang, sau đổ kỹ sư cầu cống Ponts & Chaussées, Tổng trưởng Công chánh thời Tổng thống Ngô Ðình Diệm. Người kia là Trần Thanh Xuân, học kỹ sư về các công trường hàng hải (Ingénieur Maritime), có một thời hoạt động chính trị ở Pháp, thập niên 1940, sau trở về Hà Nội.
Mậu có lẽ được người anh uốn nắn nên mặc dầu tuổi trẻ nhưng thường ưu tư về vận nước đang hồi còn phải chịu sự đô hộ của Pháp. Một số bạn của Mậu từ Gò Công đã biết Mậu từ lâu nên trong các giờ chơi, hay tụ tập kể cho nhau những giai thoại các trận như “Ðám lá tối trời”, tức khu Rừng La ù(Gò Công) của Trương Công Ðịnh trong thời chống Pháp, về Tổng đốc Lộc, một tay sai của Pháp, hoặc cùng đọc bài “Văn tế các chiến sĩ Cần Giuộc” của Cụ Ðồ Chiểu không được ghi trong chương trình Việt văn. Nhiều bạn khác thấy vậy cũng lần lần gia nhập nhóm, đặc biệt là anh Bùi Ðức Tâm, con địa chủ giàu có vùng Tân An. Anh Tâm là người biết rõ lịch sử kháng chiến chống Pháp thời Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Ðịnh, Trần Văn Thành... Anh đã làm nhiều người say mê vì tài kể chuyện. Các địa danh về những cuộc đụng độ ngày xưa, sau này vào lúc xảy ra Kháng chiến Nam Bộ sau 1945, nhiều anh em đi vào bưng đã như quen thuộc tên trước, nhờ nghe được các chuyện của anh Tâm. Sau 1975, có bạn gặp lại anh ở Sài Gòn, sau khi tập kết về, nhưng hình như không được giao chức vụ quan trọng vì là thành phần con địa chủ?
Chương 3 - Trần Ngươn Phiêu
0 comments