Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018
Em đã quên mùa xuân
Kỷ niệm 50 năm ngày Tết Mậu Thân 68 ,chúng ta cùng nhìn lại Chợ hoa đường Nguyễn Huệ trước ngày việt cộng pháo kích vào Sài Gòn vào rạng sáng mùng 1 Tết.
Em đã quên mùa xuân
Giọt buồn tóc rối thôi bay
Ngẩn ngơ nghe phố thật dài ngây ngô
Một tà áo trắng ngây thơ
Phất phơ trong gió dại khờ bâng khuâng
Bao lần quên mất mùa xuân
Để nghe tình chết một lần trong tim
Lạnh lùng sao vẫn lặng im
Lặng trong chiếc bóng đắm chìm trong đêm
Nỗi buồn ray rứt không tên
Đắm trong từng giọt qua thềm mưa rơi
Tóc thề sao quá chơi vơi
Lênh đênh gợn sóng bên đời thênh thang
Mùa xuân này vẫn không sang
Quên đi mộng ước ngỡ ngàng trong nhau
Thu tàn đông đến thật lâu
Đêm nay ôm giấc mộng sầu…tương tư…
Tác giả : Anh Tuấn
==>
Ngày xuân nói chuyện “Mưa xuân” trong thơ Nguyễn Bính,nói đến mùa xuân, đến tết cổ truyền của dân tộc, thì không thể không nhắc đến mưa xuân. Có ai trong chúng ta, dù xa quê hương đã lâu, không quên được cái tiết của ngày ấy, cả đất trời ong óng, biêng biếc, được bao trùm trong một làn sương khói lững lờ, e ấp quấn quít nơi vòm cây, mái phố. Và ta nghe ở đâu đó, trong xa thẳm, trong mỗi thân cây, gốc rạ, trong cảnh vật quen thuộc, từng tiếng động rất khẽ. Rất khẽ. Phải mùa xuân đang về hay tiếng cựa mình của đất đai sau một mùa đông giá rét, tiếng động của chồi non đầu tiên nhú trên cây?. Trùm lên tất cả bức tranh yên ấm ấy là một làn mưa bụi mỏng li ti. Giăng giăng khắp ao chuôm, đồng, bãi. Mưa không đủ làm ướt áo, ướt đầu.
Năm mươi năm trước, trong một ngày sương khói như vậy, thi sĩ “chân quê” Nguyễn Bính đã ghi lại một cách tuyệt với cảnh sắc ấy trong bài “Mưa xuân” của mình. Trong toàn bài hình ảnh mưa xuân được nhắc đến 5 lần, và trong cái thanh bình yên ả của một làng quê cổ miền Bắc, mưa xuân hiện ra như một nhân vật có tâm hồn, từng lúc buồn vui, đồng cảm với người thôn nữ lần đầu yêu.
Khổ đầu của bài thơ mở ra như cánh màn nhung từ từ kéo lên, kể về câu chuyện mộc mạc nơi làng quê:
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Phải nói rằng, những câu thơ Nguyễn Bính thật “tầm vóc” (chữ của nhà văn Tô Hoài). Ta có cảm giác như đang ngồi trước sân khấu. Cảnh êm đềm của hai mẹ con đang ngồi bên nhau, âu yếm đùm bọc trong thế giới riêng. Đêm đêm, những ngón tay xinh xắn của cô thôn nữ lướt trên khung cửi và cô ngồi trong ánh mắt dịu dàng, che chở, đùm bọc của bà mẹ. Mặc ngoài kia ong bướm đi về. Lòng trẻ còn trong trắng, thơm ngát.
Thế nhưng cái thế giới riêng nhỏ bé ấy, thâm nghiêm và kín cổng cao tường đó, một hôm bị xao động. Cái ngày có biến động được đánh dấu bằng sự hiện diện của mưa xuân.
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Mưa xuân xuất hiện lần đầu trong bài thơ và cũng là mưa đầu xuân nên… “phơi phới bay”. Như tâm hồn của ai vậy. Tô điểm cho không khí rạo rực của những ngày đầu Xuân không phải là hoa đào tươi thắm, không phải là lay ơn sang trọng mà chỉ là hoa xoan. Hoa xoan khiêm tốn giản dị, không cầu kỳ phô trương sắc đẹp, biểu tượng của nông thôn Việt Nam. Hoa xoan và đom đóm tháng 3, có ai quên được?
Giữa cái khung cảnh nên thơ ấy, ngoài mưa xuân phơi phới, đất trời tươi tắn, trên làng dưới xóm rộn rã tết, những sắc hoa xoan tím rải rác, thì người mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”. Lòng nào mà ngồi cho yên được. Nên cô bé của chúng ta bỗng:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Mẹ có cấm thì… mặc. Em đâu có lỗi. Những ngón tay búp măng, xinh xắn, mảnh dẻ của cô bé hơi run rẩy trên khung cửi cùng với trái tim nhỏ thầm đập hồi hộp sau làn áo mỏng.
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh…
Không, chưa có gì!… mới chỉ là “hình như” thôi.
Sau cái cảnh mưa bụi bay, hoa xoan rụng đầy đất, hội chèo đi qua ngõ, và khi nhân tố “anh” xuất hiện thì cô bé không còn tĩnh tâm được nữa. Chuyện tình tiếp tục:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Nguyễn Bính đã tạc qua từng ấy thời gian hình ảnh cô thôn nữ ngửa tay, hứng từng hạt mưa bụi, dưới làn áo mỏng, trái tim run rẩy. Em đâu cầu xin số phận:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Em ra đi vào đám hội. Hơi vội. Lòng tràn đầy hy vọng, vì… “thế nào anh ấy chẳng sang xem”. Mẹ già không nghi ngờ “vuông lụa trắng” của mình, nên chỉ dặn: “xem về kể mẹ nghe”.
Mưa xuất hiện lần này là “mưa bụi”. Mưa xuân dường như cũng đồng loã với cô bé. Nhưng tại sao cô không lo ướt đầu, mà chỉ lo ướt áo? ấy là vì còn để khoe bộ cánh mới, để làm đỏm với người tình. ướt đầu cũng được, chứ ướt áo thì gay. Mà có xa xôi gì đâu: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Nếu viết là: Cách một con đê, một quãng đê, một khúc đê… thì câu này coi như hỏng. Cái cô bé của năm xưa, áo tứ thân, răng đen thì phải nói là “một thôi đê”, nghe mới thú. Từ “thôi đê” đã lâu không được dùng, lần này vang lên trong thơ Nguyễn Bính nghe rất “đã”. “Thôi đê”, có nghĩa là cũng gần thôi. Đi đến với người yêu thì xa mấy cũng gần. Đêm hội diễn ra thật náo nhiệt:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Lễ hội hay như vậy mà cô chả thiết xem. Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em, còn em thì mải tìm… ai.
Lời thơ mộc mạc, chân thành, tha thiết như mối tình của cô gái quê:
Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng
Chờ mãi mà người ấy không đến. Thế rồi cô ra về, con đường cũ giờ đây dài dằng dặc:
Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya.
Không khấp khởi, hớn hở như lúc đi. Âm thầm giữa canh khuya. Mưa xuất hiện lúc này không còn là mưa bụi dịu dàng nữa, mà có phần gay gắt: “Mưa nặng hạt”. Mưa cũng có hồn tựa một nhân vật xuất hiện theo từng lớp truyện. Và cô bé không che đầu bằng ô, che đầu bằng một vật gì đó, tàu lá chẳng hạn, mà “áo mỏng che đầu”. Hình tượng cô gái lấy tà áo che đầu cho khỏi ướt có cái gì rất dân dã, mộc mạc. Không gặp được người ấy, thì bây giờ ướt áo có làm sao.
Cuối cùng, mưa xuân và hoa xoan lại xuất hiện khi câu chuyện khép lại, hội chèo làng Đặng ra về qua ngõ:
Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Những hạt mưa không còn bay nữa. Hoa xoan nát dưới chân giầy. Mùa xuân dường như vô tình với em. Đời con gái là bao, mà sao mùa xuân đã sớm cạn ngày? Cô gái thầm hỏi và hy vọng:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”
Bao giờ mưa bụi bay lần nữa để cho em vội vàng xin phép mẹ ra đi, ngày hôm nay, nhà thơ đã trở thành người thiên cổ, thiếu nữ năm xưa chắc tóc đã trắng phau vì nhuộm “nước thời gian”. Mùa xuân này, mưa bụi bay, bà cụ vẫn ngồi sưởi bên bếp sưởi, hơ bàn tay nhăn nheo, cặp mắt như nước, người già có nhớ không cái đêm hội năm xưa ở bên Đoài? Xuân này đứa cháu gái cụ tuổi cập kê cũng đang đến chỗ hẹn. Cô có gặp may hơn không?
Mà thôi, mưa xuân đang phơi phới bay, tôi cũng muốn ngửa lòng bàn tay trước mái hiên để còn vội vàng… Mưa bụi bay…
Xin hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét